Làm gì khi chán ghét công việc hiện tại?
Làm gì khi chán ghét công việc hiện tại?
Ngoài gia đình, tình yêu, cuộc sống, thì chủ đề mà đa số chúng ta quan tâm phải kể đến thành công. Người xưa vẫn thường nói được cái này thì mất cái kia.Giống như kiểu được tình thì mất tiền được tiền thì mất tình.
Nhưng đó chỉ là câu truyền miệng của người xưa không hơn không kém. Tôi muốn bạn thành công cả về sự nghiệp, tiền bạc. sức khỏe. tình cảm, gia đình. Cả lý trí lẫn cảm xúc. Cả cuộc sống online lẫn ngoài đời. Tôi muốn mình là người truyền cảm hứng cho bạn. Để bạn có thể nghĩ đến tôi như một người anh em đem lại cảm hứng tích cực.
Nhưng trước khi tham khảo chủ đề thành công. Tôi có vài lưu ý tới bạn.
- Thành công trong sự nghiệp và thành công trong cuộc sống là 2 chủ đề khác nhau. Vậy nên không có nghĩa rằng bạn có thể áp dụng tất cả các kỹ năng, kinh nghiệm, kỹ thuật từ mảng này sang mảng kia. Nó giống cầm dao tham gia một trận đấu súng vậy. Hoàn toàn không phù hợp.
- Thành công về tài chính, tình yêu, cuộc sống, không có nghĩa bạn sẽ thành công trước sự nghiệp -dù hầu hết là có-
- Thành công trong sự nghiệp không có nghĩa bạn sẽ thăng hoa, đạt đỉnh cao trong tài chính, cuộc sống, sức khỏe v.v
- Đây là 2 chủ đề khác nhau. Đó là lý do rất nhiều người quan tâm nhưng tại sao đế giờ tôi mới đưa nó vào website.
Bài viết mở đầu cho chuyên mục này sẽ là bài viết về công việc. Bạn có công việc chứ? Bạn có thích công việc của mình không, hay bạn đang chán ghét công việc hiện tại?
Chán ghét công việc hiện tại có thể đến với bất kỳ ai (nhân viên, trưởng phòng, sếp…), bất kỳ thời điểm nào (mới vào làm, làm 6 tháng, làm 3 năm…), trong bất kỳ trường hợp nào (bị sếp mắng, đồng nghiệp ghen ghét, công việc ngập đầu, lương ít…)
Vậy chuyện gì sẽ xảy ra khi một ai đó chán ghét công việc mà mình đang làm?
- Một số sẽ cắn răng chịu đựng những khó khăn và ức chế, sau đó tiếp tục công việc.
- Một số sẽ tìm cách ra đi, để chọn cho mình công việc tốt hơn
Vậy đâu sẽ là lựa chọn tốt nhất cho bạn? Và cho dù phải lựa chọn tình huống xấu nhất thì bạn sẽ làm thế nào để nó trở nên tốt hơn. Hãy tham khảo cách làm gì khi chán ghét công việc hiện tại để biết thêm chi tiết.
Thừa nhận đó là công việc bạn đang làm
Đầu tiên tôi muốn bạn hãy thừa nhận đó là công việc mà mình đang làm. Thiên đường không phải lúc nào cũng tới. Không phải lúc nào nhắm mắt bạn cũng gặp những giấc mộng đẹp. Sẽ có những lúc bạn gặp phải ác mộng. Sẽ có những lúc bạn gặp khó khăn trong cuộc sống. Thế nên, ắt hẳn sẽ có lúc bạn chán ghét công việc mình hiện tại.
Hãy tập trung vào những điều tích cực bạn có được khi làm việc. Chẳng hạn như chế độ lương thưởng tốt, một năm qua bạn đã tăng được 2 cấp, hay Thanh là một đồng nghiệp rất dễ chịu, v.v… Trong vô số điểm tiêu cực thì bạn sẽ luôn nhìn thấy những điểm tích cực trong đó. Vấn đề là bạn đang để những điều tiêu cực chi phối mà thôi.
Những điều tích cực luôn khiến mọi thứ dễ dàng hơn. Trong khi những điều tiêu cực luôn tìm cách nhấn chìm bạn mọi lúc mọi nơi.
Ngay cả khi xác định gắn bó với công việc đó, hay có ý định tìm một công việc mới thì suy nghĩ tích cực vẫn luôn là chiều khóa của vấn đề.
Nếu xác định gắn bó, hãy làm việc chăm chỉ hơn
Trừ khi bị sếp phủ nhận công sức, hoặc cấp trên chèn ép, còn lại bất kể đó là lý do gì thì hãy cố gắng làm việc chăm chỉ hơn.
Tôi để ý nhiều người khi gặp khó khăn trong công việc thường tìm tới người tâm sự, tìm người đồng tình với mình, hoặc nói xấu ai đó để cảm thấy tốt hơn. Nhưng đó không phải cách giải quyết vấn đề. Nó chỉ khiến tình huống đi xa hơn, và bạn phải gặp nhiều áp lực hơn trong tương lai mà thôi. Thay vào đó, hãy cắm đầu cắm cổ vào làm việc chăm chỉ hơn. Đó là cách giải quyết vấn đề hiệu quả nhất mà bạn nên làm.
Rất nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ muốn nhận lương cao. Họ đề xuất tăng lương, nhưng thường bị sếp từ chối. Đó là bởi sếp chưa nhìn thấy sự thành tâm trong công việc của bạn. Họ không muốn bạn chứng minh mình làm chỉ vì tiền. Họ muốn bạn chứng minh năng suất làm việc, hiệu quả và chất lượng công việc mình đạt được. Khi ấy một mức lương cao hơn, một vị trí cao hơn chắc chắn sẽ chờ đón bạn.
Sau một thời gian làm việc chăm chỉ. Những áp lực, hay chán ghét công việc hiện tại sẽ biến mất. Bạn chắc chắn sẽ cảm thấy khá hơn rất nhiều.
Thậm chí cho dù bạn không có ý định gắn bó với công việc hiện tại thì làm việc chăm chỉ vẫn luôn là lựa chọn hàng đầu. Một mặt bạn giữ được hình ảnh chuyên nghiệp của mình ở những phút cuối cùng. Mặt khác bạn nó sẽ có ích khi công ty mới bạn phỏng vấn gọi điện lại để tham khảo thông tin của bạn.
Phương pháp nên áp dụng khi chán ghét công việc hiện tại
Bạn nên áp dụng các phương pháp bên dưới trong trường hợp đã chán ghét công việc hiện tại.
Mục tiêu nghề nghiệp của bạn là gì?: Bạn muốn trở thành trưởng phòng kinh doanh, nhưng giờ bạn lại đang làm kế toán. Bạn muốn trở thành giám đốc kinh doanh, nhưng giờ bạn lại đang viết phần mềm. Hãy lựa chọn công việc phù hợp với mục tiêu nghề nghiệp của mình. Bạn không thể trở thành chú bướm lộng lẫy nếu trước đó không phải là sâu.
Sáng tạo hơn với việc mình làm: Nếu làm mãi một công việc, đương nhiên nó sẽ trở nên nhàm chán vào một ngày nào đó. Hãy chọn cách sáng tạo hơn khi làm việc. Ví dụ tôi thường nghĩ xem mình có thể viết thế nào để người đọc cảm thấy gần gũi hơn, viết sao để người đọc dễ hiểu hơn, bạn có thể chỉ ngồi đó và đọc, nhưng đối với tôi đó là sự sáng tạo không ngừng. Hoặc khi làm một công việc cụ thể nào đó, tôi không vội vã lao vào làm. Tôi thường nghĩ xem đâu là cách nhanh nhất và nhẹ nhàng nhất để làm, đâu là công cụ có thể giúp tôi giảm bớt khối lượng công việc, ai sẽ là người mà tôi có thể san sẻ công việc được, v.v… Nếu chưa hiểu sáng tạo là gì thì hãy xem clip bên dưới. Bất cứ công việc gì dù nhàm chán nhất cũng có thể sáng tạo được.
Đổi vị trí làm việc: Nếu không thể tìm thấy niềm vui hoặc kích thích cho vị trí công việc hiện tại. Tôi khuyên bạn nên tìm cách đổi vị trí làm việc. Nếu là một nhân viên lâu năm, đã gắn bó và cống hiến với công ty, tôi nghĩ sếp sẽ thông cảm và sắp xếp cho bạn vị trí phù hợp hơn. Nếu không?
Hãy tìm một công việc khác
Rõ ràng quá rồi đúng không? Đây chắc hẳn sẽ là suy nghĩ của đa số nhân viên sau khi cảm thấy công việc hiện tại của mình buồn chán hoặc tẻ nhạt.
Chẳng hạn nếu cảm thấy mình được trả lương dưới năng lực, bạn không thể nào cũng hân hoan và vui sướng với công việc đó mãi được. Lúc này một công việc khác sẽ là lựa chọn tốt hơn. Bởi bạn càng gắn bó hơn với công ty, bạn càng cảm thấy mọi thứ tồi tệ hơn mà thôi.
Nhưng còn tệ hơn nhiều nếu bạn không có chiến lược để tìm công việc mới. Tôi thấy nhiều bạn sau khi có ý định chia tay công ty thì ngay lập tức đến phòng sếp, nói giọng bất cần để thỏa mãn cảm xúc lúc đó rồi ra đi.
Nhưng một chút huênh hoang, và một chút hiếu thắng đó chỉ khiến cuộc sống của bạn khó khăn hơn tại thời điểm đó mà thôi.
- Công ty sẽ phản ánh xấu về bạn nếu công ty mới tham khảo thông tin
- Bỏ việc không có nghĩa bạn sẽ tìm được công việc mới ngay lập tức
- Nếu tìm công việc vội vã, bạn sẽ lại rơi vào vòng xoáy cũ
Cách khôn ngoan hơn cả là vẫn duy trì việc mình đang làm hiện tại. Lúc này bạn cần tập trung đến 2 thứ:
- Lên kế hoạch
- Tìm kiếm
Lên kế hoạch: Mục tiêu của bạn sẽ là gì trong 5 năm tới? Vị trí nào mà bạn muốn hướng tới? Mục tiêu nghê nghiệp của bạn là gì. Không chỉ đặt những câu hỏi về logic, mà bạn còn nên đặt những câu hỏi về cảm xúc nữa. Chẳng hạn như:
“Bạn thích công việc nhẹ nhàng và ít áp lực, hay bạn thích làm việc chăm chỉ và cạnh tranh?”
“Bạn thích vui vẻ với đồng nghiệp hay chỉ làm mà ít quan tâm đến đồng nghiệp?”
“Bạn thích về nhà sớm để vui vẻ với con cái, hay sẵn sàng về muộn để phát huy hiệu quả tối đa cho công việc?”
Đó đều là những thứ bạn phải lên kế hoạch khi vẫn đang đảm nhiệm công việc cũ.
Tìm kiếm và ứng tuyển: Để tìm một công việc để bạn phát huy hết sở trường không đơn giản. Bạn sẽ phải cày mặt trên các trang việc làm để theo dõi thông tin. Chưa hết, khi gửi CV thì không có nghĩa bạn sẽ được gọi phỏng vấn luôn. Có khi cả tháng công ty mới chốt hạ được danh sách và lên lịch phỏng vấn. Chính vì thế nếu giữ việc trong quãng thời gian này sẽ rất có lợi cho bạn về mặt tài chính. Ngoài ra tinh thần của bạn cũng không bị ảnh hưởng gì nhiều. Hãy thử thất nghiệp 2, 3 tháng rồi mới được gọi phỏng vấn xem. Lúc đó bạn sẽ biết tinh thần mình nó bị hủy hoại thế nào.
Trên đây là các phương pháp mà tôi muốn chia sẻ với bạn trong trường hợp chán ghét công việc hiện tại. Tôi đã từng áp dụng rất nhiều lần trong quá khứ. Tin tôi đi, đó chắc chắn sẽ là lựa chọn tốt nhất dành cho bạn. Ngoài ra nếu muốn bổ sung thêm thì hãy comment ở bên dưới nhé. Hoặc chia sẻ tới những người đang có ý định nhảy việc hoặc thất nghiệp.
Thân ái và chào quyết thắng.